TẨY TẾ BÀO CHẾT TỪ A-Z ( Phần 2) : Các chất tẩy da chết Hóa Học

enlight93-1
Như ở bài viết trước về các phương pháp tẩy tế bào chết, mình đã liệt kê các chất tẩy tế bào chết Hóa học thường dùng để tẩy tế bào chết tại nhà trong routine dưỡng da hàng ngày là  :

  • Enzyme
  • Alpha Hydroxy Acid ( AHAs)
  • Beta Hydroxy Acid (BHA)
  • Lipo Hydroxy Acid ( LHA)
  • Polyhydroxy Acid ( PHAs)
  • Retinoids
  • Phenol

Trong bài viết này, mình sẽ giải thích chi tiết hơn về cơ chế hoạt động cũng như các sản phẩm tham khảo để các bạn có thể dễ dàng tìm ra sự lựa chọn cho bản thân nhé !

I CÁC CHẤT TẨY TẾ BÀO CHẾT HÓA HỌC

A. CÁC LOẠI ENZYME :

Như mọi người đã biết, Enzyme hay còn gọi là men- có thành phần cơ bản là protein. Ngày nay người ta điều chế enzyme với nguồn gốc đa dạng như thực vật, động vật, từ các loại sữa và các protease có nguồn gốc vi khuẩn. Enzyme xúc tác trên 4000 phản ứng sinh hóa trong tế bào, các phản ứng có sự góp mặt của enzyme làm chất xúc tác đều có tốc độ cao hơn nhiều.
Trong liệu trình chăm sóc da thông thường, Enzyme giúp tăng tốc độ phản ứng hóa học tự nhiên giúp tẩy tế bài chết và tái tạo tế bào da. Các Enzyme chỉ có tác dụng trên các tế bào chết mà không làm tổn thương tế bào khỏe mạnh.

Các loại Enzyme trong mỹ phẩm thường có nguồn gốc thực vật như : Dứa, Đủ đủ, Chanh, Bí ngô, Việt quất, Xoài …

Theo kinh nghiệm của Chun, các sản phẩm enzyme hay được kết hợp với AHA để tăng tính hiệu quả và thường được gắn mác “Peel” khá là “mạnh” nên rất châm chích da :)) Dù vậy kết quả đạt được lại rất đáng ngạc nhiên khi làn da thông thoáng, láng mịn sáng đủ mọi cách trong từng cảm nhận :))

B. Alpha Hydroxy Acid ( AHAs)

Là một nhóm hoạt chất đặc biệt có tác dụng điều trị các vấn đề liên quan đến sự bất thường ở lớp biểu bì và trung bì. Về nguyên lý hoạt động, AHAs là các acid tan trong nước có tác dụng hòa tan các desmosome (cầu nối liên kết các tế bào da lại với nhau) giúp da chết dễ dàng bong ra khỏi bề mặt da hơn. AHAs hoạt động tốt trên bề mặt mà không đi sâu vào lỗ chân lông, vì thế chúng đặc biệt phù hợp với làn da khô và thường được dùng để tẩy da chết ở nồng độ dưới 10%.

enlight98

Trong các loại AHAs : Glycolic Acid, Lactic Acid, Mandelic Acid, Citric Acid, Tartaric Acid … Trong đó Acid Glycolic có kích thước phân tử nhỏ nhất do đó dễ dàng thấm qua da và sinh khả dụng lớn nhất. Đây cũng là lý do AHA được nghiên cứu và ứng dụng nhiều nhất vẫn là Acid Glycolic.

  • Thời điểm nên dùng : Ngày và đêm
  • Acid Glycolic được bào chế dưới nhiều dạng : Acid glycolic tự do (PH <3), Dung dịch được trung hòa, Dung dịch đệm và dạng Ester hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy Acid Glycolic được trung hòa giúp tăng cường khả năng sản sinh collagen và elastin cho da, các sản phẩm được trung hòa cũng giúp giữ ẩm và cấp nước cho da tốt hơn.-> Độ PH và nồng độ để AHA, đặc biệt là Glycolic acid hoạt động tốt nhất trong các sản phẩm tẩy da chết : PH =< 3.8  với nồng độ 5-10% ( Lưu ý là các giá trị này có thể thay đổi 1 cách tương đối nhưng không nên sai lệch quá nhiều.
  • Các bạn có thể tham khảo bảng tính sau :enlight79
  • Lý do tại sao phải là 5-10% ở mức PH=<3.8 ?
  • Bởi vì để có được một lượng Acid tự do khoảng 5.19% xâm nhập vào da, bằng với nồng độ 10% và PH = 3.8 Chun vừa nêu trên. Người ta cần 1 sản phẩm PH = 5.0 với nồng độ 82% Glycolic acid =.= (Điều này rất vô lý. Còn sản phẩm có PH thấp hơn lại cho khả năng hoạt động của acid tự do quá mạnh có thể gây kích ứng quá mức với da)
  • Ở các sản phẩm có PH cao >5. Acid lúc này không hoạt động theo cách tẩy tế bào chết mà đóng vai trò như chất giữ ẩm.
  • Tác dụng chính : Làm đều màu da, chống lão hóa và điều trị mụn nhờ khả năng điều chỉnh quá trình sừng hóa của da
  • Hiện tại Chun đang dùng RESIST Weekly Resurfacing Treatment With 10% AHA của Paula’s Choice với thành phần chính là Glycolic Acid 10% cho da mặt với tần suất 1 tuần 1-2 lần. Thứ tự sử dụng là Sau khi rửa mặt 10 phút, trước các bước skincare khác 20 phút.
  • Một số sản phẩm chứa AHAs :– Paula’s Choice Skin Perfecting 8% AHA Lotion
    – Drunk Elephant T.L.C. Framboos Glycolic Night Serum
    – The Ordinary Glycolic Acid 7% Toning Solution
    – Paula’s Choice Skin Revealing Body Lotion 10% AHA
  • C. Beta Hydroxy Acid (BHA) : 

  • Thường được biết đến là Salicylic Acid. Vì là một chất thân dầu, BHA có thể hòa vào dầu sẵn có trong da, len lỏi sâu vào trong lỗ chân lông để làm sạch các tế bào chết. BHA có tính chất hóa học tương tự như thành phần hoạt chất của Aspirin, vì vậy nó giảm viêm và thường được ứng dụng trong các sản phẩm điều trị mụn trứng cá.
  • enlight99

    Thời điểm nên dùng : Ngày và đêm

    Độ PH để BHA hoạt động tốt nhất : PH =< 3.5 với nồng độ 1-4%

    Tác dụng chính : chữa mụn ẩn và viêm, điều chỉnh tuyến bã nhờn, cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau mụn ( thâm mụn)

    enlight94

    Lưu ý : Theo sơ đồ trên, BHA có mối quan hệ trực tiếp với Phenol ( một chất độc rất độc) thông qua quy trình sản xuất từ natri phenolat ( muối natri của phenol). Điều này giải thích các đặc tính độc tố nhất định của nó mà rõ ràng nhất khi được sử dụng trên các vùng da lớn. Ngoài ra BHA nhờ kết cấu thân dầu cũng dễ được hấp thu vào cơ thể qua da ( Cùng cơ chế với những miếng dán có chứa hoc môn dễ dàng xâm nhập qua da được ứng dụng để tránh thai).

    Theo Chun có thể đây cũng là lý do khiến cho BHA trở thành sản phẩm cần tránh sử dụng trong thai kỳ !? Mặc dù đối với những thương hiệu uy tín như Paula’s Choice thì quan điểm của họ là BHA dưới 2% vẫn an toàn cho phụ nữ mang thai. Chun nghĩ quan điểm này sẽ giúp giảm bớt lo lắng của các bạn khi lỡ mang thai mà không biết, vẫn tiếp tục sử dụng BHA.

    Còn với quan điểm của bản thân, mình nghĩ các bạn không nên dùng BHA trong thời gian mang thai để đảm bảo an toàn cho em bé và nên cân nhắc lợi ích – nguy cơ trước khi sử dụng sản phẩm !

    Hiện tại Chun đang dùng BHA 2% Liquid của Paula’s Choice 3 lần 1 tuần

    Một số sản phẩm chứa BHAs :

    – Cosrx BHA Blackhead Power Liquid
    – Paula’s Choice Skin Perfecting 2% BHA Liquid
    – CHICA Y CHICO Beta Salic 2.0 –
    Sản phẩm này Chun đã từng dùng và theo đánh giá của bản thân khá dịu nhẹ để các bạn làm quen với Tẩy tế bào chết Hoá Học
    – 
    Clinique Turnaround Revitalizing Serum
    – Neutrogena Rapid Clear Acne Defense Face Lotion

    D. Lipo Hydroxy Acid ( LHA)

    Là acid thân dầu, LHA tác động mạnh vào tuyến bã nhờn và có tác dụng ly giải mụn, làm giảm tắc nghẽn nang lông do các tế bào sừng hóa, giảm lượng vi khuẩn và khả năng bám dính của vi khuẩn trên các đơn vị nang lông trên cơ chế làm lỏng lẻo liên kết giữa các tế bào sừng.

    Một số sản phẩm chứa LHA :

    – LHA Glycolic Acid Toner – Skinceuticals
    – La Roche-Posay Effaclar Astringent Face Toner for Oily Skin

    I. Polyhydroxy Acid ( PHA)

    Thường được biết đến là như Lactobionic acid và gluconolactone) có các tác dụng tương tự như AHAs. Tuy nhiên PHA có kích thước phân tử lớn nên tỷ lệ hấp thụ chậm hơn, giúp cho tính chất giữ ẩm của nó tốt hơn, thích hợp với da nhạy cảm. Polyhydroxy Acid cũng có thể hoạt động như chất chống oxy hóa và có thể thúc đẩy một số cải thiện về sức chịu bề mặt của da  

    Một số sản phẩm chứa PHAs :

    – Lotion P50, Lotion P50V, Lotion P50W và Lotion P50 PIGM400 – Biologique Recherche

    F. Retinoids ( Vitamin A và các dẫn xuất)

    Vitamin A là một trong nhóm các phân tử thuộc Retinoids. Ngoài Vitamin A, Retinoids còn bao gồm :
    – Retinol hay còn gọi là Vitamin A gốc
    – Retinal là một chất chuyển hoá của Retinol (Chất này là một chất quan trọng cho mắt)
    – Acid retinoic ( hay còn được gọi là Tretinoin/ Vitamin A acid)

    Hầu hết các trường hợp, người ta thường bỏ qua Retinoids trong các hoạt chất có khả năng loại bỏ tế bào chết. Tuy nhiên với nhiều quan điểm trong đó có quan điểm của cá nhân Chun, Retinols có khả năng thâm nhập sâu vào lớp hạ bì kích thích tế bào trong lớp biểu bì giúp đẩy và loại bỏ lớp da chết, trả lại làn da mịn màng, khoẻ mạnh, trẻ trung và rạng rỡ. Chất này đồng thời giúp kích thích sản xuất collagen và elastin, giảm thiểu sự xuất hiện của các nếp nhăn. Hơn nữa, tính chất tẩy tế bào chết của nó còn thể hiện ở việc giải toả tắc nghẽn lỗ chân lông, ngăn ngừa sự bùng phát mụn trứng cá và cho phép các tế bào động tốt hơn.

    Retinol và Retinal có hoạt lực yếu và đều chuyển hoá thành Acid retinoic. Acid retinoic bao gồm Tretinoin và Isotretinoin là dạng có hoạt lực mạnh hơn.

    Nồng độ thường được sử dụng để kích thích thay da, có tác dụng tác động vào quá trình sừng hoá của da thường được sử dụng là Tretinoin 0.025-0.05%

    G. Phenol

    Đây là một chất độc rất độc, có thể gây bỏng khi tiếp xúc với da. Thực sự mình đã suy nghĩ rất nhiều khi cho Phenol vào các thành phần tẩy tế bào chết Hoá học.

    Tuy nhiên gần đây mình có làm việc với Biologique Recherche. Hãng có sản phẩm Toner P50, mặc dù hiện tại phiên bản P50 Original 1970 của hãng chỉ được bán tại Mỹ nhưng thành phần chứa Phenol của nó thực sự là 1 vấn đề khá tranh cãi.

    Phenol hoạt động trên da dưới cơ chế gây độc tế bào, nó kết hợp với protein và gây ra hiện tượng ngưng kết. Khi phenol tiếp xúc với da, nó huỷ hoại tất cả các tế bào tiếp xúc với nó. Mặc dù chỉ tiếp xúc với da, Phenol vẫn có khả năng xâm nhập và làm độc toàn bộ cơ thể.

    Quan điểm của Chun là có rất nhiều phương pháp đem lại cùng 1 kết quả, tốt nhất chúng ta không nên thêm 1 chất rất rất độc vào routine dưỡng da ( không hiểu đang dưỡng hay phá huỷ nó nữa ha ha). Thêm vào đó Phenol khá là kích ứng có khả năng gây phản ứng viêm quá mức, và rất không phù hợp với làn da Châu Á ( người việt Nam thường có tone da tối màu xếp loại IV, V và VI) dễ gây tình trạng rối loạn sắc tố/ tăng sắc tố sau viêm.

    II TỔNG KẾT

    Trên đây là những hiểu biết/quan điểm của Chun về những chất tẩy tế bào chết hoá học. Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận những ưu điểm vượt trội mà tẩy da chết hoá học đem lại. Tuy nhiên tẩy da chết nói chung (hoá học, vật lý) đều nên được sử dụng một cách điều độ với một tần suất hợp lý

    Lời khuyên của mình là dùng hàng ngày với các sản phẩm hoá học dịu nhẹ, hoặc 2-3 lần 1 tuần với các sản phẩm mạnh hoặc tẩy da chết vật lý. Việc đi vào chi tiết vấn đề này mình xin được hẹn các bạn ở các bài viết sau.

    Thân mến!

    1 bình luận về “TẨY TẾ BÀO CHẾT TỪ A-Z ( Phần 2) : Các chất tẩy da chết Hóa Học

    Trả lời

    Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

    WordPress.com Logo

    Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

    Facebook photo

    Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

    Connecting to %s