10 ngày – không nói gì – không điện thoại – không ra khỏi cương giới của khoá thiền, chúng ta nhận được điều gì?
Hôm nay là một bài viết đặc biệt, Chun muốn chia sẻ với mọi người một khoá học chắc chắn đã, đang và sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Đó là khoá học thiền Minh sát Vipassana
Nhiều người khi nghe về một khoá học, biết nó hay rồi, mặc dù chưa hỏi ngay nhưng có lẽ điều luôn muốn hỏi là: Học phí bao nhiêu?.
Khoá thiền Vipassana thì hoàn toàn miễn phí. Chỉ có điều đăng ký hơi khó, và như bạn thấy, để lĩnh hội được Vipassana, bạn phải bỏ ra 10 ngày tới trường thiền, không nói gì – không điện thoại – không rời khỏi cương giới của khoá thiền.
Bài viết của mình sẽ nói về cuộc sống chúng ta phải đối mặt, những người học và hành thiền nhận được gì trên góc nhìn của một con người khoa học với lối sống lành mạnh, những người học và hành thiền nhận được gì trên góc nhìn tâm linh

VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA
Cuộc sống đầy rẫy những vấn đề, về kinh tế: nghèo, khó khăn tiền bạc; về mối quan hệ: yêu nhau, ghét nhau, hận nhau, những mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Hoặc thậm chí có những vấn đề tôi từng trải qua mặc dù đơn giản nhưng lại đầy áp lực như đứa bạn hỏi: Chun ơi đi ăn gì bây giờ? =))
Những vấn đề lớn, nhỏ, ở đó và không ở đó, những lo nghĩ và dự định về tương lai, những ân hận, những hoài niệm về quá khứ. Chúng cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí làm chúng ta bị phân tán. Mà lắm lúc cố không nghĩ gì lại còn lên cơn đau đầu hơn.
Nói chung là cuộc sống hiện đại khá căng thẳng trong mọi tầng lớp xã hội, có những người rất giàu có cũng căng thẳng, có những người rất nghèo khó cũng căng thẳng. Bình yên là một thứ xa xỉ, lắm lúc ta đi du lịch và cảm thấy bình yên, nhưng vì chúng ta chưa biết bình yên thực sự là như thế nào, chứ thực ra lúc ấy cũng chẳng bình yên lắm đâu.
NHÂN DUYÊN ĐƯA CHUN TỚI KHOÁ THIỀN
Mình là một người hay tự tạo áp lực cho bản thân, những áp lực người khác tạo lên mình thật ra không có vì nếu có mình chẳng quan tâm. Nhưng áp lực tự mình đặt ra là có và mình luôn muốn bản thân, công việc, mọi thứ .. phải tốt hơn tốt hơn nữa. Nên đối với mình mà nói thì mình thấy căng thẳng vô cùng luôn.
Cho đến một ngày một người bạn mình là một Luật sư, bạn ấy rất giỏi và hay đọc nhiều sách. Mình thích những người giỏi và những người hay đọc sách. Nên nhìn chung những gì bạn ấy nói mình rất quan tâm. Bạn ấy hỏi mình nghỉ hè có muốn tham gia 1 khoá thiền 10 ngày không được nói gì và không dùng điện thoại không. Rất nhiều doanh nhân và người tài giỏi tham gia khoá này. Chắc hẳn nó phải rất hay theo một cách nào đó mới thu hút được họ.

Chun ok luôn mà chẳng nghĩ gì nhiều. Trong đầu mình đang tưởng tượng ra một mùa hè với 10 ngày “nghỉ ngơi”, không liên lạc với ai, sống một cách điều độ và tĩnh tâm, chỉ vậy thôi, đúng điều mình cần.
KHOÁ THIỀN VIPASSANA
Cho tới khi tham gia khoá thiền thì mọi thứ thực sự TRÁI NGƯỢC HOÀN TOÀN với “khoá tu mùa hè, dậy sớm quét nhà, ăn nghỉ điều độ nhẹ nhàng, ngồi thiền nghe pháp tĩnh tâm” trong tưởng tượng của Chun. Không phải vì nó không có những hoạt động như vậy, mà bởi vì tần suất của những hoạt động khác biệt hoàn toàn.
VD trong tưởng tượng của mình:
+ Ngày ăn 3 bữa
+ Ngồi thiền 2-3 tiếng/ ngày
+ Thể dục thể thao, bát bộ nhẹ nhàng, cắt cỏ trồng cây =))
+ Nghe giảng về cuộc sống 2-3 tiếng/ ngày
+ Nghỉ ngơi thư giãn

Thực tế
+ Ngày ăn 2 bữa (6h30 sáng và 11h30 sáng) sau đó không ăn nữa
+ Ngồi thiền ~ 10 tiếng 1 ngày
+ Không có thời gian và sức để tập thể dục, cắt cỏ trồng cây thì chắc chắn không, thời gian đều được tối ưu cho việc ngồi thiền
+ Nghe pháp thoại 1 tiếng vào lúc 8h tối, sau đó lại ngồi thiền tới giờ đi ngủ.
+ Được nghỉ ngơi, được thư giãn, nhưng 2/3 thời gian tham gia khoá thiền là “Cuộc giải phẫu tâm thức” đầy đau đớn và dằn vặt tâm hồn, để “thanh lọc tâm” và loại bỏ những bất định và căng thẳng ra khỏi tâm thức.
NÓI CHUNG LÀ MÌNH KHÁ SOCK. Nhưng thuốc đắng thì giã tật, sau khoá thiền chúng ta sẽ không còn là chúng ta của trước đây. Bình yên hơn, thanh thản hơn, và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.

DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC
Bạn sẽ ổn định tâm lý hơn khi có thời gian một mình, đối mặt với những mâu thuẫn trong nội tâm, đối diện với nó và chấp nhận cũng như giải quyết nó, để tâm trí không còn bộn bề.
Khi thực hành thiền định, bạn tạo ra sự kết nối xuyên suốt và nhanh nhạy hơn giữa bộ não và cơ bắp toàn thân khiến cho cơ thể linh hoạt hơn, hết đau lưng mỏi gối và nhanh nhẹn hơn, sau khi về ngay cả khi tập thể dục động tác trở nên uyển chuyển và chính xác hơn.

DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LINH
Bạn sẽ trưởng thành hơn về nội tâm/ tâm thức, bạn được tiếp xúc với Dhamma (Giáo Pháp) nguyên bản nhất với những gì Phật Goutama truyền dạy, không thờ phụng/ mê tín/ kêu cầu. Hạnh phúc, bình yên và sống trọn vẹn với cuộc sống, hiểu hơn về tâm linh để trở nên không sợ hãi tà ma quỷ quái hay để những lời nói nhân danh tâm linh vô căn cứ người khác nói ra ảnh hưởng đến cuộc đời bạn.
Phật dạy vài điều mấu chốt:
+ Hãy trải nghiệm rồi hãy tin, hãy trực tiếp thấy rồi hãy tin, ngoài ra không tin bất cứ điều gì.
VD: ai đó nói với bạn số phận bạn thế này, số phận này thế kia, bạn không trực tiếp thấy -> không tin
ai đó nói với bạn bạn có ma theo =)) -> bạn không trực tiếp thấy -> không tin
+ Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
———————————————
NÓI THÊM VỀ DHAMMA (GIÁO PHÁP) – CHÁNH PHÁP
Nhiều bạn tin vào đạo Phật nhưng lại chưa được tiếp xúc với Phật Pháp nguyên bản nên tham khảo thông tin sau:
Trong khoảng vài trăm năm sau khi Phật nhập diệt, người ta chỉ dùng bức tranh gốc cây Bồ đề nơi ngài ngồi để tưởng nhớ ngài. Chỉ còn gốc cây thôi họ nhìn vào đó để tưởng nhớ ngài, ngài đã ngồi đó và nhập Nibbana( Niết Bàn), ngài biến mất. Bản thân ngài cũng hay chia sẻ dừng tôn vinh hay thờ ta, hãy làm theo Dhamma (Pháp) để thoát khỏi khổ đau, tự mình thắp đuốc lên mà đi.
Người đời sau này gọi ngài là Bổn Sư = Người thầy của tôi, ngài không phải thần thánh, ngài là con người, là một người Thầy đã để lại những bài học rất sâu sắc cho cuộc đời để vượt qua khổ đau.
Nếu bạn thấy buồn, căng thẳng, chán nản hay nói chung là Khổ. Hãy tìm hiểu về Khổ (Dukkha), chẳng ai hơn ai dù ở bất kỳ tầng lớp nào trong xã hội còn sống mà không Dukkha. Hiểu được điều này bạn thấy mình chẳng còn cô đơn, ai cũng như ai mà thôi
Biết đời là khổ rồi, bạn tìm hiểu thêm về Dhamma (Giáo Pháp) bạn sẽ được tiếp cận với Vô thường (Anicca). Luân hồi là vô thường, sinh lão bệnh tử là vô thường … Mọi thứ đến rồi đi chẳng cái gì tồn tại Vĩnh viễn hay Vĩnh hằng.
Hàng ngàn năm hàng triệu năm núi cũng thành sông rồi sông lại thay bằng núi, làm gì có cái gì cố định mãi mãi nữa là 1 kiếp người, một giờ, một phút, một giây, niềm vui hay nỗi khổ đều đến rồi đi đến rồi đi, so với núi sông thay đổi vui khổ chỉ thoáng qua mà thôi. Chấp nhận Vô Thường là bạn đã bớt khổ đi một chút rồi
Rồi bạn lại biết rằng Anatta (Vô ngã): không có chúng ta, không có ta, ta không tồn tại, chẳng có gì thậm chí cho đến “linh hồn của ta” cũng là một thứ không tồn tại. ỦA nếu không có linh hồn, không có tôi, thì cái gì là “tôi”?
Đúng vậy không có “Tôi”, bởi vì “Tôi” là sản phẩm được hình thành từ 5 yếu tố (ngũ uẩn, panca skandha) luôn thay đổi, cái này bạn từ tìm hiểu nhé vì viết ra lại dài quá …
Khi bạn chấp nhận là không có tôi/ Vô ngã (Anatta) thì bạn hiểu là đến bản thân còn không thực sự thuộc về mình nữa là những tài sản, vật chất. Hiểu theo một cách Trần tục nhất thì khi chết đi cũng chẳng có gì mang theo được nên vốn dĩ nó chẳng thuộc về mình, vậy bám víu vào Bản ngã hay cái Tôi của bản thân, hay cái gì là của Tôi chỉ khiến đời thêm đau khổ. Ai đó vứt “món đồ của bạn” đi, bạn nghĩ món đồ đó thực sự của bạn, bạn tức giận và đau khổ.
Chấp nhận Anatta, chấp nhận Anicca, mọi chuyện xảy ra dù tồi tệ nhất thì Dukkha sẽ không tới.. thoát khổ một chút rồi.
Anatta, Anicca và Dukkha là Tam pháp ấn, 3 chỉ dấu quan trọng cho Chánh Pháp
Phật giáo nguyên bản không có thờ cúng, không có tế lễ, không có cầu siêu thoát, cầu an hay cầu may vì không có một vị thần nào cho các bạn điều đó cả và chính Đức Phật dạy như vậy- vui lòng tìm hiểu về Kinh Nikaya (Điều gần nhất với những gì Phật Goutama truyền dạy).
Nếu tìm những điều đó hãy tìm một tôn giáo khác, bởi nó là một điều lệch hoàn toàn với Dhamma (Pháp), với luật Nhân quả.
Chẳng lẽ tôi cứ làm điều xấu, một ngàn vạn điều xấu và tôi thắp hương, tôi soạn mâm cao cỗ đầy, cầu cho tâm tôi an, cầu cho tâm tôi an, tôi hết lòng cầu tâm tôi an đây, những điều bình an hãy đến với tôi thì tôi sẽ được an sao? Là bạn bạn có chấp nhận việc ấy không? Hiệu quả của nó chỉ làm các bạn yên tâm ở bề nổi về mặt tâm lý, còn sự thật vẫn là sự thật, cuộc đời không thay đổi.
Điều tuyệt vời của Dhamma là bạn không cần đợi kiếp sau, hay khi chết để có được niềm vui. Rất nhiều vị thần hứa rằng bạn hãy chịu khổ một chút, và cứ cầu xin, đặt niềm tin nơi họ đến khi chết đi bạn sẽ được lên thiên đàng. Còn Dhamma ngài Goutama truyền lại thì không. Nếu bạn hiểu Dhamma bạn sẽ hạnh phúc ngay trong kiếp này.
Hãy tỉnh táo, hãy tỉnh táo, hãy cảnh giác nhìn thẳng vào sự thật, đào sâu vấn đề, hãy tìm hiểu để biết Chánh Pháp không phải Tà Pháp.
Tôi mặc dù không phải một Phật Tử, vẫn đang gìn giữ 5 giới một cách tối đa phù hợp với cuộc sống hiện tại của mình, và chắc chắn giới dễ dàng giữ nhất đối với tôi là Không nói dối, điều tôi vừa chia sẻ không có sự dối trá.
———————————————
LỜI KHUYÊN CỦA CHUN KHI TÌM HIỂU PHẬT PHÁP
Đối với Chun mà nói, mình thấy có vài nguồn “theo mình là chuẩn, thuận theo Chánh Pháp” để mọi người tìm hiểu về Phật. Tìm hiểu xong thích tìm hiểu thêm gì thì sau bạn nhé, tìm hiểu nên tìm hiểu cái chuẩn trước
+ Sách của Thầy Thích Nhất Hạnh/ Nhất là cuốn Đường xưa mây trắng
+ Bộ kinh gần nhất với thời Phật Goutama giảng Pháp: Kinh Nikaya (Thầy Minh Châu dịch), nhiều kinh điển sau này không tránh khỏi tam sao thất bản và thậm chí thêm bớt những yếu tố lệch lạc sai lệch Chánh Pháp. Những gì không phải Chánh thì là Tà đó các bạn à.
GÓC NHÌN CỦA CHUN
(Là góc nhìn cá nhân, bạn thấy hay thì tiếp thu)
Những vị A-La-Hán (Arahat) là những người chứng ngộ Niết Bàn (Nibbana) còn tại thế, hết kiếp này sẽ thành Phật. Những vị Bồ-tát (Bodhisatta) là những người đã chứng ngộ Niết Bàn và sẵn sàng chia sẻ con đường giúp chúng sinh chứng ngộ trước khi ngài nhập Niết Bàn. Không một vị Arahat hay Bodhisatta nào tự xưng mình là Arahat.
Hãy cảm nhận, hãy cảm nhận
Dù sao Arahat/Bodhisatta chỉ là một danh hiệu đặt ra giống Giáo viên, Kỹ sư, Bác sỹ. Người ấy có phải là một Giáo viên, Kỹ sư, Bác sỹ thật sự hay không còn phải trả lời rất nhiều câu hỏi. Và hơn hết chính là trí tuệ, là hành động, là lối sống những gì họ thực hành, họ làm.
Hiện tại trong lòng mình (chỉ là trong lòng Chun) có những vị A-la-hán (Arhat), có vị đã nhập Niết bàn và có vị đang còn tại thế hành nguyện Bồ-tát đưa ra con đường thoát khổ cho chúng sinh. Hãy mở lòng tham khảo, hãy thử tìm hiểu, hãy thử cân nhắc, có góc nhìn nào hay thì tiếp thu. Bản thân kinh nghiệm mỗi người để lại chỉ là con voi được mô tả với những trải nghiệm trong quá khứ của họ, còn chúng ta là người mù (với sự vô minh che khuất tầm mắt), hãy theo những chỉ dẫn để thực chứng còn mọi kiến thức đều để tham khảo.
Bản thân Phật nhận cùng 1 câu hỏi từ 3 người khác nhau, Ngài cũng trả lời 3 cách khác nhau “Có” “Không” và “Im lặng”. Nghe thật vô lý nhưng thực tế tuỳ vào tư duy của mỗi người câu trả lời đó lại vô cùng phù hợp và hiệu quả với họ.
Một góc nhìn khác lạ cũng là công cụ kéo ta về thực tại.
Bạn đang rất tin tưởng là có linh hồn, người ta bảo bạn là không có linh hồn đâu. Bạn nghi ngờ chính suy nghĩ của mình rồi tìm ra câu trả lời: à có thể có linh hồn nhưng vì chưa thấy thì không nên vội tin, trước đây mình chắc chắn quá vào một điều chưa nhìn thấy, bây giờ mình sẽ bớt quan trọng hoá một điều chưa nhìn thấy, chẳng còn sợ ma hay sợ ma theo… vì có nhìn thấy trực tiếp đâu?
=> Bạn nhận ra trước đây mình chưa thực tế. Bây giờ mình thực tế hơn là đã bớt vô minh đi rồi.
Các vị thầy Chun biết ơn đã giúp mình thông tuệ hơn:
– Thầy S.N.Goenka
– Thầy Thích Nhất Hạnh – Làng Mai
– Thầy Thích Thông Lạc – Tu Viện Chơn Như
– Thầy Viên Minh – Hiện là Viện Chủ Tổ Đình Bửu Long
Con thành tâm đảnh lễ các ngài 🙏🏻🙏🏻🙏🏻
_____________________
Link đăng ký khoá Thiền Vipassana (Thiền Tuệ/ Thiền Minh Sát) hoàn toàn miễn phí, không có tính chất giáo phái nên bạn không cần theo bất kỳ Đạo nào. Hay nếu như bạn đang theo bất kỳ Đạo nào cũng có thể theo học được mà không cần gia nhập Đạo mới hay cải Đạo, vì không có tính chất giáo phái, không có tính chất giáo phái, sẽ luôn không có tính chất giáo phái
UCENLIST – Trung tâm UNESCO Bồi dưỡng Kỹ năng sống & Ứng dụng thiền Vipassana
Tổ chức hoạt động phi lợi nhuận trực thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam
Vô cùng biết ơn và trân trọng Thầy Goutama – Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, những gì ngài để lại là một nghệ thuật sống.
Nguyện cho tất cả chúng ta được bình an, được hoà hợp, được hạnh phúc.