AZELAIC ACID – TINH CHẤT CHỐNG MỤN VÀ TRỊ THÂM NÁM

Các cô gái thường có nỗi lo về tình trạng da nổi mụn, phụ nữ lớn tuổi hơn lại có mối quan tâm đặc biệt đến những tổn thương lâu dài/sâu trên da, như thâm nám. Nhìn chung, dù ở độ tuổi ở tuổi nào thì phái đẹp cũng có cùng một mong muốn, đó là sở hữu một làn da khoẻ mạnh, không tì vết. Đối với một số người, chỉ có một vấn đề hay số ít tổn thương da, sẽ đơn giản hơn khi bạn chỉ cần 1 sản phẩm nhất định để đặc trị.

Vậy nếu bạn cũng đang trong những độ tuổi đó nhưng lại gặp nhiều hơn một tổn thương trên da: mụn, thâm mụn, thâm nám… Việc áp dụng nhiều sản phẩm đặc trị cùng một lúc có nhiều nhược điểm: bất tiện, gây khó chịu trên da, hay quan trọng nhất là sự tương tác của các thành phần đôi khi không lành tính… Nhưng nếu giải quyết từng vấn đề một thì lại mất khá nhiều thời gian. Điều này khiến chúng ta quan tâm, mong muốn được trải nghiệm các hoạt chất dưỡng da có nhiều hơn một công dụng đặc trị trên da, một trong số đó phải kể đến Azelaic Acid.

AZELAIC ACID LÀ GÌ?

Axit azelaic là một dược chất nằm trong nhóm axit dicarboxylic, có thể tìm thấy trong một số nguyên liệu tự nhiên như lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen, nó cũng được tìm thấy ở trên da với một lượng nhỏ do sự sản xuất tự nhiên của Malassezia furfur (Pityrosporum ovale): nấm men sống hoại sinh trên da người – là 1 phần trong hệ thực vật da người. Azelaic acid được nghiên cứu và phát hiện có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, vì vậy có công dụng trong điều trị các bệnh về da thường gặp như mụn trứng cá. Ngoài ra, Azelaic Acid còn giúp ngăn ngừa mụn tái phát, làm thông thoáng và sạch lỗ chân lông, nhờ đó hạn chế mụn hiệu quả.

TÁC DỤNG VÀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG

Trị mụn và giảm viêm bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây mụn có trong lỗ chân lông bị tắc

Azelaic acid trị mụn qua biểu hiện tác dụng kháng khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp protein tế bào ở vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, đặc biệt là Staphylococcus epidermidis và Propionibacterium acnes, làm cho các phân tử protein không được hình thành hoặc được tổng hợp nhưng không có hoạt tính sinh học làm ngừng trệ quá trình sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn.

Ở vi khuẩn hiếu khí, azelaic acid ức chế thuận nghịch một số enzym sản sinh oxy hóa bao gồm tyrosinase, enzym ty thể của chuỗi hô hấp, thioredoxin reductase, 5-alpha-reductase, và DNA polymerase. Ở vi khuẩn kỵ khí, azelaic acid cản trở quá trình đường phân, làm gián đoạn quá trình chuyển hoá vật chất và năng lượng của vi khuẩn -> vi khuẩn không phát triển được => không có khả năng sinh độc tố gây mụn và nhiễm trùng lỗ chân lông trên da.

Azelaic acid giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá bằng cách làm giảm viêm da. Azelaic acid làm bình thường hoá trở lại quá trình keratin hóa (quá trình sừng hoá): giảm độ dày lớp tế bào sừng thượng bì, giảm kích thước và số lượng các hạt keratohyalin (khi xuất hiện hạt sừng keratohyanlin nghĩa là quá trình sừng hoá bắt đầu) bằng cách giảm số lượng và sự phân bố của filaggrin (một thành phần của keratohyalin) trong các lớp biểu bì, từ đó làm giảm tần suất xuất hiện của các tế bào chết trên da, giúp lỗ chân lông trên da thông thoáng, hạn chế môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn sinh sôi nảy nở, phát triển. Ngoài ra, azelaic acid còn làm giảm sự hình thành microcomedone – tiền thân mụn trứng cá, nhờ đó ngăn ngừa tái phát mụn trứng cá.

Trị thâm nám, sẹo mụn và làm đều màu da

Là một chất ức chế tyrosinase (enzyme chính trong quá trình tổng hợp đốm nâu melanin), acid azelaic làm chậm sản xuất, giảm hình thành melanin, kết quả là da trở nên sáng hơn.

Mụn sau khi bùng phát và gây viêm da có thể khiến một số vùng bị tăng sắc tố, gây sạm da, do hoạt động bất thường của melanocytes (tế bào sản sinh melanin), acid azelaic sẽ ức chế chọn lọc tế bào melanocyte bất thường (không làm mất sắc tố da trên các làn da có lượng sắc tố bình thường) bằng cách ức chế sự hoạt động của các enzyme ty lạp thể cũng như ngăn chặn tổng hợp DNA, từ đó gây độc trực tiếp lên các tế bào melanocyte. Vì vậy, Azelaic acid được sử dụng để điều trị nám da bao gồm nám và tăng sắc tố sau viêm, đặc biệt ở những người có loại da sẫm màu. Thậm chí, azelaic acid còn được đề xuất như một thay thế cho hydroquinone bởi ít tác dụng phụ hơn.

Bệnh hồng ban (bệnh trứng cá đỏ)

Do khả năng làm giảm viêm, Azelaic acid được sử dụng để điều trị tại chỗ cho bệnh hồng ban. Cơ chế hoạt động của nó là ức chế hoạt động enzyme thuỷ phân protease chuyển đổi cathelicidin (peptide kháng khuẩn da dư thừa có vai trò quan trọng trong bệnh hồng ban) thành peptide chống viêm LL-37.

Khi enzyme protease hoạt động quá mức, sẽ đẩy mạnh quá trình biến đổi cathelicidin thành các peptide có đặc tính chống viêm cao hơn đặc tính kháng khuẩn, làm mất cân bằng giữa các đặc tính, đẩy nhanh quá trình hình thành mạch dẫn đến viêm da mạn tính. Azelaic acid làm ức chế hđ của enzyme này, giúp giảm viêm => làm giảm sưng tấy trên da mặt ở diện rộng.

CÁCH SỬ DỤNG VÀ LƯU Ý KHI DÙNG AZELAIC ACID

Cách dùng

(Sử dụng Azelaic acid sau khi tẩy trang, rửa mặt sạch sẽ và trước khi bôi kem dưỡng)

Trước khi sử dụng Azelaic Acid, cần tẩy trang và rửa mặt sạch sẽ. Mỗi lần sử dụng chỉ nên dùng 1 lượng sản phẩm khoảng 1 đốt ngón tay cho toàn mặt, dùng trước bước kem dưỡng. Tuy nhiên, nếu bạn sở hữu một làn da nhạy cảm, dễ kích ứng, có thể sử dụng Azelaic Acid sau bước kem dưỡng.

Nếu Azelaic Acid có dạng gel, khi sử dụng Azelaic Acid vào buổi sáng, nên thoa kem dưỡng trước rồi mới đến kem chống nắng để giúp da không bị khô và làm vón kem chống nắng.

Khi bắt đầu sử dụng, bạn nên sử dụng thử trước ở vùng da quai hàm trước khi sử dụng cho toàn mặt, đồng thời dùng xen kẽ 2 – 3 lần/tuần để xem da bạn có phù hợp với Azelaic Acid hay không.

Lưu ý

Trước khi dùng Azelaic Acid, bạn nên hỏi ý kiến và thông báo với bác sĩ, dược sĩ nếu bị dị ứng với Azelaic Acid hoặc các loại thuốc khác; và thông báo tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm kê đơn và không kê đơn cho vấn đề sức khoẻ.

Nếu bạn đang trong giai đoạn mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Azelaic acid được xem là có hiệu quả từ nồng độ 15-20% trở lên và đều là thuốc kê đơn. Các sản phẩm không cần kê đơn có nồng 10% trở xuống sẽ có hiệu quả không bằng. Tuy nhiên, khi bắt đầu sử dụng, nên sử dụng sản phẩm chứa Azelaic Acid có nồng độ từ thấp đến cao để da từ từ thích ứng với sản phẩm và hạn chế kích ứng trên da.

SỰ KẾT HỢP VỚI CÁC THÀNH PHẦN KHÁC

Kết hợp Benzoyl Peroxide điều trị mụn

Benzoyl Peroxide là một trong những phương pháp điều trị mụn trứng cá phổ biến và được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất được biết đến trong ngành chăm sóc da. Benzoyl Peroxide là một chất kháng khuẩn mạnh, hoạt chất trị mụn này sau khi xâm nhập vào lỗ chân lông bị tắc sẽ giải phóng oxy tiêu diệt vi khuẩn gây mụn để làm chậm và tiêu tan quá trình phát triển của mụn.

Điểm giống nhau giữa Benzoyl Peroxide và Azelaic Acid là đều có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, tẩy tế bào chết và làm tan mụn (có thể ngăn ngừa sự hình thành mụn trứng cá). Trong khi Benzoyl Peroxide hiệu quả đối với các rối loạn do mụn viêm từ trung bình đến nặng như mụn mủ, nốt sần, sẩn và đặc biệt là mụn trứng cá dạng nang, thì Azelaic acid hiệu quả nhất đối với các dạng mụn trứng cá nhẹ đến trung bình, bao gồm mụn trứng cá dạng mụn, sẩn và mụn mủ. Nếu bạn đang bị mụn trứng cá viêm vừa phải, kết hợp cả hai tác nhân gây mụn và kháng khuẩn là một cách tuyệt vời để loại bỏ mụn trứng cá của bạn bởi sự kết hợp của Azelaic Acid và Benzoyl Peroxide sẽ giúp quá trình đẩy cồi mụn và làm khô nhân mụn nhanh hơn nhiều lần.

Cách sử dụng Azelaic Acid và Benzoyl Peroxide cùng nhau:

+ Hai hoạt chất này được sử dụng tốt nhất vào ban đêm vì cả 2 đều có thể gây mẫn cảm với anh nắng mặt trời. Cách bạn xếp lớp chúng sẽ phụ thuộc vào hình thức của sản phẩm. Luôn nhớ nước / gel hoặc kết cấu nhẹ trước dầu hoặc kem. Tuy nhiên, nếu cả hai có cùng kết cấu, Azelaic Acid đứng trước Benzoyl Peroxide.

+ Hai sản phẩm đều có một số tác dụng phụ, đặc biệt là Benzoyl Peroxide. Bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ mỗi sản phẩm và sau đó tăng dần để đo khả năng dung nạp của da với các hoạt chất. Cả hai đều có thể áp dụng hai lần/ngày. Khi sử dụng Benzoyl Peroxide chỉ thoa lên các khu vực bị tổn thương như một phương pháp điều trị tại chỗ. Chờ cho đến khi sản phẩm khô trước khi thoa kem dưỡng ẩm.

Kết hợp Tretinoin điều trị nám

Giống như Retinol, Tretinoin là hoạt chất vàng trong làng skincare bởi những công dụng của nó: trị mụn, chống lão hoá, cải thiện sắc tố da bằng hoạt động ở cấp độ tế bào, tác dụng chủ yếu ở lớp hạ bì.

Như đã nói ở trên, Azelaic acid có khả năng trị nám ngang ngửa Hydroquinone nhưng lại ít tác dụng phụ. Tác giả K Graupe cùng với các cộng sự trong nghiên cứu sử dụng kết hợp Azelaic acid 20% và Tretinoin 0.05% điều trị nám tại chỗ đã phát hiện ra rằng, Tretinoin làm tăng khả năng giảm sắc tố của Azelaic Acid, điều đó được thể hiện bằng khả năng đáp ứng nhanh hơn và cải thiện đáng kể hơn trong 3 tháng đầu khi sử dụng giúp cải thiện khả năng hỗ trợ nám da của Azelaic Acid [1].

KẾT HỢP AHA

AHA không còn là khái niệm xa lạ đối với các tín đồ skincare. Hydroxy Acid gốc nước, có nguồn gốc thực vật này có khả năng hỗ trợ điều trị mụn khi kết hơp với dạng Lotion hay dạng lột (Peel); điều trị nám da, tàn nhang các đốm sậm màu trên da bằng việc kiểm soát sự tăng sinh melanin trên da.

Azelaic aicid khi kết hợp với AHA (Alpha Hydroxy Acid) có thể điều trị tăng sắc tố da cho các đối tượng có làn da tối màu thay cho Hydroquinone 4%. Bởi Hydroquinone là chất làm sáng da, điều trị tăng sắc tố hiệu quả cho các làn da sáng màu, còn đối với các làn da tối màu, ngăm đen hơn có thể làm tình trạng tăng sắc tố da trở nên trầm trọng hơn.

Nghiên cứu lâm sàng Kakita năm 1998 đã chỉ ra sự hiệu quả của sự kết hợp này. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết hợp Azelaic Acid 20% và Glycolic acid 15-20% (AHA có nguồn gốc từ đường mía) so sánh với Hydroquinone 4% trong nghiên cứu kéo dài 24 tuần với 2 nhóm điều trị có cùng cường độ sắc tố và mức độ tổn thương của da. Kết quả cho thấy kết hợp Azelaic Acid và AHA có hiệu quả tương đương với Hydroquinone 4% trong việc điều trị tăng sắc tố cho các bệnh nhân có da tối màu, giảm tỷ lệ tổn thương. Tuy nhiên những đối tượng sử dụng kết hợp Azelaic acid và AHA có tình trạng châm chích, bỏng rát, bong tróc và khô da cao hơn 1 chút so với nhóm đối tượng sử dụng Hydroquinone 4% [2].

KẾT HỢP BHA

So với Azelaic acid, BHA là thành phần nổi trội trong các dược liệu đặc trị da. Dù có tác dụng phụ gây kích ứng trên da (xét về mức độ an toàn vẫn nằm trong ngưỡng cho phép) nhưng với tác dụng mạnh và đem lại hiệu quả rõ rệt, BHA rất được tin dùng. BHA phổ biến nhất là Salicylic acid, với đặc tính tan trong dầu dễ thấm vào sâu bên trong da, loại bỏ lượng dầu thừa kèm theo bụi bẩn, vi khuẩn và làm thông thoáng lỗ chân lông bằng cách làm bong lớp sừng hoá, đẩy toàn bộ tế bào chết còn bám lại ở trong ra ngoài, BHA được xem là kẻ thù của các loại mụn trứng cá, bao gồm cả mụn viêm, mụn ẩn.

Cũng giống như BHA, Azelaic acid loại bỏ keratin, đi sâu vào lỗ chân lông làm cho các tế bào chết đang ứ đọng, tắc nghẽn lại bị tống ra ngoài, nhưng nhẹ nhàng hơn BHA. Azelaic acid cũng được coi là chất chống Oxy hoá bởi ức chế thuận nghịch một số enzym sản sinh oxy hóa (2.1). Nó có khả năng giảm viêm nhiễm, làm dịu, giảm sưng đỏ do các yếu tố nhạy cảm, điều này vô cùng thích hợp khi kết hợp với BHA, bởi azelaic acid như là chất làm hạ nhiệt các kích ứng mà BHA mang lại. Vì vây, nếu bạn lựa chọn xu hướng làm đẹp cùng BHA thì Azelaic acid sẽ là nhân tố vàng thúc đẩy quá trình cải thiện làn da của bạn. Tuy nhiên, khi sử dụng Azzelaic Acid cần tuân thủ các lưu ý đã nói ở trên.

[1] Graupe, K., Verallo-Rowell, V. M., Verallo, V., & Zaumseil, R. P. (1996). Combined use of 20% azelaic acid cream and 0.05% tretinoin cream in the topical treatment of melasma. Journal of dermatological treatment, 7(4), 235-237.

[2] Kakita, L. S., & Lowe, N. J. (1998). Azelaic acid and glycolic acid combination therapy for facial hyperpigmentation in darker-skinned patients: a clinical comparison with hydroquinone. Clinical therapeutics, 20(5), 960-970anti-inflammatory, antioxidative effects, and is bactericidal against a range of Gram-negative.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s